Con gái cựu binh Hàn Quốc và nỗi day dứt về cuộc thảm sát
Tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vừa diễn ra lễ tưởng niệm vụ thảm sát Bình Hòa. 50 năm trước, 430 người dân xã Bình Hòa đã bị giết hại trong đợt càn quét của lính Nam Triều Tiên từ ngày 3 đến ngày 6/12/1966.
Trong dịp tưởng niệm trên, đoàn 30 người Hàn Quốc có chuyến đi 3 ngày đến Quảng Ngãi để tận thấy nơi từng diễn ra cuộc thảm sát. Họ để đầu trần dưới trời mưa xối xả, quỳ gối trên mảnh đất từng vang lên tiếng súng và bật khóc khi nghe sự thật.
Bà Lee Kyung Ja là chính trị gia duy nhất trong đoàn. Người phụ nữ vóc dáng nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, cẩn thận ghi lại những lời thuyết minh của tiến sĩ Ku Su Jeong - người khởi xướng phong trào Xin lỗi Việt Nam về cuộc thảm sát 50 năm trước.
Bà Lee Kyung Ja cảm thấy lương tâm nặng nề khi đến nơi diễn ra cuộc thảm sát. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Lý do nào đưa bà đến Việt Nam? "Vì bố tôi là cựu binh Hàn Quốc", bà Lee Kyung Ja nói và cho hay khi bà được 7 tuổi, người bố bắt đầu đi lính sang Việt Nam. "Ông không kể chuyện về những ngày cầm súng. Nhưng nhờ bố tôi tham chiến ở Việt Nam, gia đình mới có điều kiện để nuôi tôi ăn học tốt hơn", bà nhớ lại.
Trong thời gian ở xã Bình Hòa, bà Lee Kyung Ja mường tượng được phần nào cuộc thảm sát qua những chứng tích chiến tranh, tiếp xúc với các nạn nhân còn sống. "Lương tâm tôi cảm thấy nặng nề và phức tạp. Tôi suy nghĩ rằng nếu tôi sinh ra ở xã Bình Hòa thì cuộc đời của tôi như thế nào?", bà Lee Kyung Ja tâm sự.
Người phụ nữ 51 tuổi tự dằn vặt mình với hình dung, 50 năm trước những gì đã xảy ra ở Bình Hòa trong khi "cuộc sống của tôi sung túc hơn". "Tôi rất đau khổ và thành thật xin lỗi người dân Việt Nam", bà Lee Kyung Ja nói.
Anh Vũ (bìa phải) cùng một người trong đoàn Hàn Quốc thắp hương tại đài tưởng niệm Phong Nhất -Phong Nhị (Quảng Nam) tối 4/12. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Anh Kwon Hyun Woo (tên Việt Nam là Vũ) có người bác ruột là cựu binh Hàn Quốc, tham chiến tại Phú Yên năm 1972. Dù bác anh chưa từng nổ súng bắn bất cứ một ai, nhưng ông kể với anh Vũ rằng đã nghe nhiều về những cuộc thảm sát của lính Nam Triều Tiền trong chiến tranh Việt Nam. Nhờ anh trai tham gia chiến tranh ở Việt Nam, nên bố của anh Vũ được gia đình chăm lo với điều kiện tốt hơn.
Quá khứ đó của gia đình khiến anh Vũ cảm thấy mình nợ Việt Nam. Suốt buổi lễ tưởng niệm ở Bình Hòa, mỗi khi thắp những bó hương lớn, sợ nước mưa sẽ làm tắt lửa, anh Vũ để đầu trần còn chiếc ô trên tay che cho những bó hương. 34 tuổi, anh chọn Việt Nam làm nơi sinh sống thường xuyên nhiều năm qua, dù bố mẹ ở Hàn Quốc có duy nhất một người con.
Là nhân viên của Quỹ hòa bình Hàn - Việt, anh Vũ đang nỗ lực không ngừng kết nối những chuyến du lịch vì hòa bình giữa người dân hai nước. Công việc này giúp anh cảm thấy bớt đi những day dứt trong lòng mình.
Đoàn người Hàn Quốc thắp hương, cúi đầu trước bia căm thù ghi lại vụ thảm sát của lính Đại Hàn 50 năm trước. Ảnh: Nguyễn Đông. |
8 năm trước, anh Vũ cùng một nhóm du học sinh Hàn Quốc yêu thích lịch sử quyết định chọn điểm đến là Việt Nam, sau khi tình cờ đọc được một bài báo nói rằng quân đội Hàn Quốc đã gây ra nhiều cuộc thảm sát tại đó. "Tôi không được học bất cứ một dòng nào khi ngồi trên ghế nhà trường, nên quyết tâm đi tìm hiểu sự thật", anh Vũ cho biết.
Chủ động học tiếng Việt, anh Vũ từ TP HCM lặn lội ra miền Trung để tìm gặp nhân chứng của các cuộc thảm sát. 5 năm trước, anh gặp được bà Nguyễn Thị Thanh ở Quảng Nam - người phụ nữ thoát chết hy hữu khi bị lính Đại Hàn bắn rách bụng, sát hại cả gia đình.
"Lúc đó tôi cảm thấy rất buồn, nhưng đã chọn cách đối diện với hoài nghi, xa lánh của các nạn nhân", anh Vũ nói và cho biết sau một vài lần gặp mặt, bà Thanh đã kể cho anh nghe sự thật.
Khi đặt chân đến vùng đất mà lính Đại Hàn từng xả súng vào dân thường, đứng trước "Bia căm thù", chàng thanh niên Hàn Quốc đang học thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam nói: "Đó là sự thật và tấm bia cần được giữ lại".
Theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su Jeong, quân đội Đại Hàn đã làm chết 9.000 người dân Việt Nam vô tội trong các cuộc thảm sát.
*Video: Nhân chứng kể lại vụ xả súng của lính Đại Hàn ở Quảng Nam