THỊ TRƯỜNG NƯỚC GIẢI KHÁT: MIẾNG BÁNH NGON NHƯNG KHÓ NUỐT
ới ưu điểm tiện lợi, ngon miệng, các thức uống chế biến sẵn tăng mạnh tại các nước phát triển và lan nhanh đến nhiều nước chưa phát triển.
Theo thống kê, lượng nước giải khát trung bình người dân Mỹ tiêu thụ 216 lít/năm, tiếp theo là Ireland và Na Uy. Tính riêng việc tiêu thụ nước ép trái cây, đứng đầu là người dân Canada với 52,5 lít/người/năm, kế đến là Mỹ và Đức.
10 thị trường dẫn đầu là Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Brazil, Đức, Mexico, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Pháp với con số 2/3 doanh số toàn cầu, tuy dân số chỉ ở mức 1/3.
Phát triển thị trường nước giải khát trên toàn cầuNguồn: Euromonitor International, Michael Schaefer & Jonas Feliciano, Soft drink in 2013: The quest for growth in a multi-polar world.
Tỉ lệ sử dụng các loại nước giải khát theo khu vực, năm 2012Nguồn: Euromonitor International, Michael Schaefer & Jonas Feliciano, Soft drink in 2013: The quest for growth in a multi-polar world.
Tại Việt Nam, bình quân người Việt tiêu thụ nước giải khát trên 23 lít/người/năm. Theo Hiệp hội bia rượu - nước giải khát các dòng sản phẩm này chiếm lượng sản xuất và tiêu thụ lên đến 85% sản lượng của cả nước. Trong nửa năm đầu 2015, ngành sản xuất đồ uống tăng 6,3% so với cùng kỳ. Đến năm 2020, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 8,3-9,2 tỷ lít/năm.
BMI (Tập đoàn khảo sát thị trường Anh) dự báo doanh thu bán nước giải khát nói chung tăng với tốc độ trung bình 14,2%, đạt 136.000 tỷ vào năm sau. Trong đó, lượng tiêu thụ nước giải khát không cồn tại Việt Nam sẽ tăng lên 2,7 tỷ lít vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 7%.
Sự có mặt của khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, chứng tỏ sức thu hút to lớn của thị trường nước giải khát Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu - nước giải khát cho biết, thị trường nước giải khát không cồn của Việt Nam đang thể hiện sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Nguyên nhân là mức tăng trưởng nội địa liên tục duy trì con số ấn tượng với 6-7%/năm, trong khi các nước Pháp, Nhật Bản chỉ kỳ vọng đạt 2%/năm.
Thị trường nước giải khát Việt Nam 2014. Nguồn: vtown.vn
Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing VN cho biết trong cuộc chơi này các doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế về quy mô sản xuất. Điển hình như công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB). Năm 1994 PepsiCo tiến vào Việt Nam với 2 sản phẩm đầu tiên là Pepsi và 7Up. Đến năm 2016, SPVB đã có 11 nhãn hiệu tại đây, tăng thêm sự lựa chọn cho người dùng với các nhãn hiệu quen thuộc khác như Aquafina, Sting, Lipton Ice Tea, Ô Long Tea+ Plus…
Dù là miếng bánh ngon, cuộc chạy đua giành thị phần đòi hỏi nhiều yếu tố mà nếu sảy chân doanh nghiệp dễ bị đuối sức. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được dự luận rất quan tâm, chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu của mình, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa việc “cam kết chất lượng” lên ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh yếu tố thương hiệu, người tiêu dùng ngày một khó tính hơn. Thị hiếu của họ giờ đã thay đổi. Hãng nghiên cứu thị trường Mintel công bố 12 xu hướng mới cho ngành thực phẩm và đồ uống. Theo đó, trào lưu sử dụng thức uống tốt cho sức khỏe, thành phần rõ ràng, tự nhiên cũng như các yêu cầu về chứng minh nguồn gốc trở nên khắt khe hơn.
Nếu trước kia cầu nhiều hơn cung, khách hàng sử dụng sản phẩm "hồn nhiên" hơn, thiên về việc quan tâm đến hương vị, sở thích; thì bây giờ họ khó tính, cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm.
Người mua hiện tại ngày càng chú ý đến nhãn rành mạch, nguyên liệu đúng chuẩn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, đưa ra nhiều cam kết chất lượng và cẩn trọng hơn trong giao tiếp với người dùng.